Theo kế hoạch thường niên trong công tác tổ chức hội nghị thành viên kết nối VNIX, nhằm nâng cao vai trò quản lý, hợp tác và thúc đẩy phát triển cho các cán bộ kỹ thuật quản lý điều hành mạng, Trung tâm Internet Việt Nam tổ chức Hội nghị thành viên kết nối trạm trung chuyển Internet quốc gia “VNIX Network Operators Group Conference 2016” (VNIX-NOG 2016). Chương trình được tổ chức trong 02 ngày 23 – 24/11/2016 tại thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Hội nghị được tổ chức theo mô hình NOG (Network Operators Group) quốc tế, thu hút sự tham gia của gần 100 đại biểu đến từ Hiệp hội các nhà điều hành mạng lưới Internet Nhật Bản (JANOG), Trung tâm Thông tin mạng khu vực Châu Á Thái Bình Dương (APNIC), Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), đại diện Lãnh đạo và chuyên gia kỹ thuật của Cục Bưu điện Trung ương - Bộ TT&TT, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) là thành viên kết nối VNIX.
Internet tại Việt Nam đã trải qua 20 năm phát triển tích cực, tuy nhiên hiện nay vẫn thiếu một môi trường mở kết nối các chuyên gia, kỹ sư làm việc trực tiếp trong lĩnh vực vận hành mạng, nơi mà các chuyên gia, kỹ sư mạng có thể cởi mở chia sẻ, trao đổi các kiến thức, kinh nghiệm của mình. Nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đã xây dựng các NOG là môi trường kết nối, chia sẻ kiến thức kỹ thuật của các chuyên gia, kỹ sư hoạt động trong lĩnh vực này, tiêu biểu như JANOG (Nhật Bản), HKNOG (Hồng Kông), SGNOG (Singapore)… Thông qua hoạt động thường niên của VNIX với gần 20 ISPs là thành viên, hội nghị VNIX-NOG lần này được tổ chức với mong muốn sẽ làm cơ sở cho việc hình thành một diễn đàn NOG cho các nhà điều hành mạng tại Việt Nam.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thảo luận sôi nổi và tích cực tập trung vào các nội dung chuyên môn liên quan như hợp tác trong công tác kỹ thuật quản lý, vận hành, khắc phục sự cố, đảm bảo an toàn thông tin & chống tấn công mạng, thúc đẩy phát triển kết nối, trao đổi lưu lượng giữa các thành viên kết nối VNIX và mạng Internet Việt Nam. Một số nội dung tiêu biểu được các chuyên gia quốc tế và trong nước trao đổi thảo luận như:
- Thông điệp của IAB (Internet Architecture Board) về dừng cập nhật, cải tiến các giao thức IPv4, tập trung vào phát triển các giao thức hỗ trợ IPv6, đồng thời với việc xu thế gia tăng của kết nối peering so với kết nối transit, xuất hiện nhiều trạm trung chuyển Internet là môi trường kết nối peering trong nước, khu vực dẫn đến những thay đổi về kiến trúc của mạng Internet.
- Đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng kết nối VNIX, sử dụng các công nghệ mới, cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thông qua các giải pháp như hệ thống chuyển mạch thông minh đảm bảo an toàn kết nối, hệ thống chuyển mạch trung tâm với công nghệ ảo hóa, chuẩn kết nối đa dạng, tốc độ kết nối lớn (10/40/100 Gigabit), giải pháp thu thập và phân tích dữ liệu mạng trên thiết bị chuyển mạch lớp 2 để đánh giá chất lượng và các nguy cơ tấn công mạng, từ đó để điều tiết và ứng phó kịp thời ...
- Tối ưu, điều khiển lưu lượng thông qua các giải pháp thu thập, phân tích để điều khiển định tuyến thông minh nâng cao chất lượng kết nối dịch vụ.
- Quản lý xác thực thông tin định tuyến sử dụng RPKI.
- Phương pháp và các kịch bản quy hoạch phân bổ địa chỉ tối ưu, triển khai IPv6 cho người dùng cuối, kết nối cố định băng rộng FTTH, đo kiểm đánh giá kết quả triển khai IPv6, công bố website IPv6 ready của thường trực Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia …
- Các vấn đề về đảm bảo an toàn an ninh cho hệ thống mạng và dịch vụ của các ISP cũng được các thành viên quan tâm và chia sẻ như vấn đề xác thực nguồn tài nguyên định tuyến trên mạng hay các chia sẻ về giải pháp chống tấn công DDoS và sự cần thiết tham gia, hợp tác và hỗ trợ giữa các nhà mạng.
- Các công nghệ chuyển mạch mới cho trung tâm dữ liệu, mạng sử dụng SDN …
- Xây dựng cộng đồng các nhà quản trị, điều hành mạng NOG tại Viet Nam (VNNOG) trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các chuyên gia đến từ các nhà mạng là các thành viên kết nối Trạm trung chuyển Internet quốc gia (VNIX) và đại diện các tổ chức quản lý, điều hành mạng Internet quốc tế đã có phiên thảo luận chuyên đề để hướng tới việc hình thành diễn đàn NOG tại Việt Nam (VNNOG). Trên cơ sở kinh nghiệm duy trì điều hành một trong những NOG lâu đời và có hoạt động hiệu quả nhất trên thế giới, ông Yoshinobu Matsuzaki, thành viên Ban điều hành Hiệp hội các nhà điều hành mạng lưới Internet Nhật Bản (JANOG) đã chia sẻ về cách thức và những điều kiện căn bản để có thể thành lập và duy trì hoạt động của một NOG chuyên nghiệp. Các chuyên gia đến từ APNIC cũng cập nhật tình hình hoạt động, vị thế của các NOG trong khu vực và trên thế giới, các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của APNIC. Căn cứ tình hình thực tế tại Việt Nam, ông Vũ Thế Bình, Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam nhận định rằng việc thành lập VNNOG là rất cần thiết và đã hội tụ đủ các yếu tố, điều kiện phù hợp trong thời điểm hiện tại.
Ở góc độ thúc đẩy triển khai IPv6, VNIX-NOG 2016 là sự kiện lần đầu tiên được tổ chức tại một địa phương (tỉnh Vĩnh Phúc) nhưng gần 100 đại biểu tham dự đã được cung cấp kết nối wifi Internet IPv6 bởi tập đoàn VNPT. Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác thúc đẩy phát triển IPv6 của VNPT nói riêng và Việt Nam nói chung thể hiện khả năng sẵn sàng vươn xa hơn trong việc cung cấp kết nối IPv6 đến người sử dụng cuối của các nhà mạng.
VNIX-NOG sẽ tiếp tục được tổ chức thành sự kiện thường niên. Thông tin chi tiết xin tham khảo Website sự kiện tại: http://vnix-nog.vn.
Dưới đây là một số hình ảnh tại Hội nghị:
Hội nghị VNIX-NOG 2016 với sự tham dự của gần 20 ISPs là thành viên của VNIX.
Phiên thảo luận về xu thế phát triển và tình hình hoạt động của các NOG trên thế giới giữa đại diện VNNIC, VIA, JANOG và APNIC.
Ông Yoshinobu Matsuzaki, thành viên Ban điều hành Hiệp hội JANOG chia sẻ về cách thức, điều kiện căn bản thành lập và duy trì hoạt động của một NOG.
Diễn giả Lương Duy Phương - Kỹ sư hệ thống mạng FPT Telecom với bài tham luận BGP Optimization.
Các đại biểu tích cực thảo luận về các nội dung chuyên môn tại Hội nghị.